Chiều 31/8, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Lâm Đồng và Ấn Độ.
Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Lâm Đồng và Ấn Độ được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chiều 31/8. Ảnh: Minh Hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hội nghị lần này nhằm cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng. Thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của các địa phương sang thị trường Ấn Độ và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển du lịch giữa doanh nghiệp các địa phương với các doanh nghiệp Ấn Độ”.
Ông Phạm S cho biết thêm, về hợp tác thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Trong đó bao gồm cà phê nhân với giá trị xuất khẩu trên 2,5 triệu USD; tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa với giá trị xuất khẩu trên 38 triệu USD; oxit nhôm 32 triệu USD. Theo ông Phạm S, dự kiến, các số liệu về xuất khẩu trên sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023.
Lâm Đồng được xác định là địa phương nhiều tiềm năng trong hợp tác giao thương lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.
“Theo đánh giá, việc hợp tác giữa Lâm Đồng với Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có, còn nhiều dư địa để tiếp tục kết nối, hợp tác để cùng nâng cao sản lượng và giá trị giao thương”, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.
Ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và có thế mạnh to lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, ô tô, dược phẩm, công nghệ sinh học, dệt may, công nghệ thông tin… “Ấn Độ đang trên đường tăng trưởng và phát triển theo cấp số nhân. Mỗi ngày ở Ấn Độ là một câu chuyện về thành tựu. Có những kế hoạch “khổng lồ” để xây dựng đường cao tốc, sân bay, bến cảng và hiện đại hóa các ngành công nghiệp sử dụng AI”, Ngài Madan Mohan Sethi nói.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.
Theo Ngài Madan Mohan Sethi, Ấn Độ muốn mời các doanh nghiệp của cả hai bên trao đổi với nhau và tìm hiểu các mối quan tâm về kinh doanh và hợp tác. Tôi cũng mời các công ty nông sản của tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ tìm hiểu đầu tư và kinh doanh với các đối tác Ấn Độ.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng nói, Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu ôn đới và cảnh quan thiên nhiên. Địa phương có nhiều nguồn tài nguyên quý báu như nông sản, hoa, cây cảnh cùng với nguồn nhân lực tài năng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Lâm Đồng hiện có gần 12 nghìn doanh nghiệp với các ngành nghề tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, xây dựng, du lịch, thương mại. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu hợp tác với Ấn Độ nhập khẩu hoặc hợp tác triển khai dây chuyền máy móc trong lĩnh vực cà phê. Các doanh nghiệp cũng có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ trong việc xuất khẩu cà phê nhân, cà phê túi lọc nhằm giúp các quán cafe, nhà hàng của Ấn Độ có nguyên liệu để làm nên những ly cafe thơm ngon phục vụ thị trường 1,4 tỷ dân.
“Chúng tôi đề xuất hợp tác về thương mại như tổ chức triển lãm thương mại, hội thảo kết nối doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội. Cùng với đó là trao đổi chuyên gia và đào tạo để chia sẻ kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, chúng tôi đề xuất hợp tác trong lĩnh vực xây dựng dự án chung trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, để tận dụng tiềm năng của cả hai cộng đồng”, bà bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng nói.
Nhiều doanh nghiệp vùng Tây Nguyên mong muốn kết nối, giao thương với Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Lâm Đồng và Ấn Độ, lãnh đạo, đại diện các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng nêu khái quát các vấn đề kinh tế địa phương và những thuận lợi, tiềm năng trong việc thúc đẩy hợp tác, giao thương với Ấn Độ.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông cho hay, những năm qua, Đắk Nông đã hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm Alumin và nhập khẩu sản phẩm điều nguyên liệu. “Mặc dù chưa có dự án đầu tư FDI Ấn Độ vào Đắk Nông nhưng với tiềm năng thế mạnh nổi bật về trữ lượng bauxite lớn, nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, nhiều điểm du lịch nguyên sơ, kỳ thú cùng với nền văn hóa truyền thống đặc sắc… hứa hẹn sẽ là những lĩnh vực phát triển tốt để đầu tư kinh doanh”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông bày tỏ.
Cũng theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Đắk Nông mong muốn được kết nối, mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư từ Ấn Độ đến với địa phương để tìm hiểu, khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, lĩnh vực nghiên cứu cấy, ghép mô, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao và nhà máy chế biến nông sản. Cùng với đó là đầu tư vào các ngành kinh tế hỗ trợ bauxite và điện phân nhôm như sản xuất hóa chất, cơ khí sửa chữa, chế tạo, các ngành luyện kim, chế tạo các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất ô tô và các ngành dịch vụ thương mại khác... Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết thêm, Đắk Nông mong muốn Ấn Độ hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Trong khuôn khổ hội nghị và Chương trình kết nối giao thương, doanh nghiệp 2 bên đã tìm hiểu và ký kết 45 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Minh Hậu.
“Đắk Nông là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, do đó khi doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi với khung cao nhất theo quy định của Trung ương và địa phương”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.
Trong khuôn khổ hội nghị và Chương trình kết nối giao thương, doanh nghiệp 2 bên đã tìm hiểu thông tin về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, khả năng cung ứng, phương thức thanh toán và đã thống nhất ký kết 45 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc với nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau.
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp vùng Tây Nguyên kết nối giao thương với thị trường tỷ dân tại chuyên mục Kinh tế của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Minh Hậu
CÔNG TY TNHH THIÊN HƯƠNG PHÁT ĐÀ LẠT
Địa chỉ: 77 Hùng Vương, Phường 9, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng
Địa chỉ sản xuất và bán hàng : 109 Võ Trường Toản, Phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Email: cskh.thienhuongphat@gmail.com
Điện thoại: 088 905 3838
Website: thienhuongphatdalat.com